Nội dung bài viết
- 1 Dữ liệu kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5 năm 2021 về chỉ số sản xuất Công nghiệp
- 2 Dữ liệu kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5 năm2021 về tổng mức bán lẻ và hàng hóa dịch vụ
- 3 Dữ liệu kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5 năm 2021 về tăng trưởng nhập khẩu
- 4 Dữ liệu kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5 năm 2021 về chỉ số giá tiêu dùng CPI
- 5 Dữ liệu kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5 năm 2021 về tăng trưởng tín dụng
Dữ liệu kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5 năm 2021 về chỉ số sản xuất Công nghiệp
Số liệu tháng 5/2021 cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,6% so với cùng kỳ, giúp nâng tăng trưởng 5 tháng lên mức 9,9%. SX kim loại (+38%), xe có động cơ (+35%), đồ gỗ (+18,3%) và sản phẩm điện tử (+15,5%) vẫn là các ngành sản xuất chính dẫn dắt tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm. Các khu công nghiệp ở Bắc Giang đã dần hoạt động trở lại sau 2 tuần tạm nghỉ nên kỳ vọng tác động của dịch trong thời gian tới sẽ không quá lớn. Tuy nhiên, một số khu công nghiệp phía Nam như các tỉnh Bình Dương, Long An cũng có nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, giãn cách xã hội cục bộ đang được áp dụng để ngăn chặn tình huống xấu xảy ra.
Dữ liệu kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5 năm2021 về tổng mức bán lẻ và hàng hóa dịch vụ
Tiêu dùng chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh và tháng 5 là tháng đầu tiên có tăng trưởng âm trong năm 2021, với mức giảm -3,1% so với tháng 4 và -1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, lũy kế 5 tháng đầu năm vẫn đạt mức tăng +6,27% (đã loại trừ lạm phát), so với mức giảm -6,56% của cùng kỳ năm 2020, như vậy có thể nói hoạt động bán lẻ đã gần quay trở lại mức trước dịch mặc dù khách du lịch quốc tế chưa quay trở lại.
Dữ liệu kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5 năm 2021 về tăng trưởng nhập khẩu
Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với mức tăng trên 30% trong 5 tháng đầu năm. Đáng chú ý, nhập khẩu đang tăng tốc và ước tính tăng 36,7%, vượt trội so với mức tăng 30,9% của xuất khẩu. Do đó, từ mức xuất siêu 1,6 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, tháng 5 ước tính nhập siêu 2,1 tỷ USD. Nhập khẩu tăng cao một phần do giá nhiều hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu đã tăng rất mạnh, cộng thêm hiệu ứng từ nền so sánh thấp của năm ngoái (5 tháng 2020 nhập khẩu giảm -5%). Chúng tôi cho rằng mức tăng giá đầu vào này sẽ được phản ánh vào tăng trưởng xuất khẩu trong các kỳ tiếp theo và cán cân thương lại sẽ sớm quay trở lại xuất siêu trong quý III.
Dữ liệu kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5 năm 2021 về chỉ số giá tiêu dùng CPI
Điểm sáng nhất của tháng 5 là lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Mặc dù giá nguyên liệu đầu vào vẫn trên đà tăng mạnh, nhưng sự trung chuyển tác động của các yếu tố này lên chỉ số giá tiêu dùng ở Việt Nam là hạn chế (do cơ cấu các chỉ số khác nhau và Việt Nam có các cơ chế làm giảm bớt độ biến động của giá cả, ví dụ như cơ chế bình ổn giá). Bên cạnh đó thì sức tiêu thụ trong tháng 5 cũng thấp hơn kỳ vọng (do có sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19) cũng ảnh hưởng tới mặt bằng giá cả. Số liệu tháng 5 cho thấy CPI chỉ tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 2,9% so với cùng kỳ, chủ yếu do giá xăng và vật liệu xây dựng tăng, trong khi giá thực phẩm giảm tháng thứ 2 liên tiếp. Nếu tính trung bình, CPI 5 tháng mới tăng 1,29% so với cùng kỳ, mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Dữ liệu kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5 năm 2021 về tăng trưởng tín dụng
Tín dụng tăng trưởng mạnh giai đoạn vừa qua đã khiến thanh khoản các NHTM bớt dư thừa. Tính đến ngày 21/5/2021, huy động chỉ tăng trưởng 2,68% trong khi tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 4,67% so với đầu năm, cao hơn nhiều mức tăng trưởng chỉ 2% của 5 tháng đầu năm 2020. Chênh lệch tiền gửi-tín dụng thu hẹp khoảng 160 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2020, thanh khoản các NHTM bớt dư thừa khiến lãi suất trên liên ngân hàng tăng thêm khoảng 35-53bps so với thời điểm cuối tháng 4, duy trì quanh mức 1,3%/năm với kỳ hạn qua đêm, 1,5%/năm với kỳ hạn 1 tuần. Tuy nhiên, cung cầu VND trên liên ngân hàng vẫn rất ổn định, NHNN vẫn tạm ngừng giao dịch trên thị trường mở trong 3 tháng qua, đặc biệt sẽ có một lượng tiền đồng lớn bơm ra từ các giao dịch bán ngoại tệ có kỳ hạn sẽ được thực hiện trong tháng 7,8 tới.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn cho rằng chính sách tiền tệ đang ở mức hợp lý, lãi suất (đặc biệt đối với các lĩnh vực ưu tiên) ở xu hướng giảm để hỗ trợ nền kinh tế và không có dấu hiệu cho thấy sẽ có sự thay đổi về định hướng chính sách khi mà lạm phát vẫn ở trong tầm kiểm soát. Bởi vậy chúng tôi chưa nhận thấy áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn, nhưng vẫn giữ nguyên dự báo lãi suất có thể nhích tăng từ đầu Q3/2021 khi dịch bệnh được kiểm soát, tín dụng tiếp tục tăng tốc.